Sáng ngày 30 tháng 3 năm 2023, tại hội trường Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang, đã diễn ra Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023 – 2026 do Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo: Ban dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo 11 cơ sở, tổ chức tôn giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Ông Nguyễn Trí Đông – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã điểm lại một số kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 05/CTrPH-MTTQ-STNMT-TG về thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017 – 2022 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ sở tôn giáo.

Theo đó, qua hơn 05 năm thực hiện, Chương trình đã tạo được sự chuyển biến tích cực, làm thay đổi căn bản về nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong cộng đồng nói chung, các cơ sở tôn giáo nói riêng. Ðã có nhiều mô hình hay của các cơ sở tôn giáo về bảo vệ môi trường được triển khai thực hiện như:  Mô hình “ Thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định đảm bảo vệ sinh môi trường”; Mô hình “ Trồng cây xanh, hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp” tại 11 cơ sở, tổ chức tôn giáo.

Nhiều cơ sở tôn giáo đã và đang tích cực tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông gắn với những buổi giảng đạo và trong các ngày lễ tôn giáo. Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo thường xuyên vận động tín đồ trồng cây xanh ở cơ sở thờ tự; vệ sinh môi trường trước, trong và sau các dịp lễ lớn; tích cực tham gia các hoạt động vì môi trường do chính quyền địa phương tổ chức… đã tạo sức lan toả rộng lớn trong xã hội, góp phần cùng với cả hệ thống chính trị trong cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường.

Tại Hội nghị lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã chia sẽ một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, môi trường và biến đổi khí hậu là những vấn đề toàn cầu, là thách thức sống còn đối với Trái đất, đối với nhân loại, đối với sự phát triển bền vững. Xác định rõ tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Cụ thể;

Về lĩnh vực môi trường: Trong nhiều năm qua, hệ thống quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt, từ Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… đến văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội XIII đều đã khẳng định, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…

Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác bảo vệ môi trường, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các bộ luật, chỉ thị, nghị định, thông tư… nhằm tạo sự thống nhất, xuyên suốt thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Có thể kể đến như: Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường và 11 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của luật bảo vệ môi trường theo từng lĩnh vực.

Về biến đổi khí hậu: Những năm gần đây, biến đổi khí hậu được ghi nhận với diễn biến theo xu thế bất lợi, các hiện tượng khí hậu cực đoan tiếp tục xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất cao hơn. Trước những thách thức biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, theo đó, ứng phó với biến đổi khí hậu phải đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.

Năm 2020, Quốc hội ban hành Luật bảo vệ môi trường, trong đó công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu đã được thể chế toàn diện hơn. Luật đã quy định nội dung và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn.

Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn; Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Nghị quyết số 93/NQ-CP năm 2016 phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện các văn bản của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chương trình hành động số 44-CTr/TU ngày 30 tháng 8 năm 2013 về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2015 về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Quyết định số 1807/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2020 về phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tại Hội nghị đã có 07 ý kiến phát biểu tham luận của các cơ sở, tổ chức tôn giáo về các mô hình bảo vệ môi trường đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua và sẽ được nhân rộng trong thời gian sắp tới. Đồng thời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và 11 cơ sở tôn giáo cũng đã ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023 – 2026.

Phát biểu kết thúc Hội nghị Ông Huỳnh Văn Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đề nghị các tổ chức tôn giáo triển khai ngay 07 nội dung thuộc trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo trong Chương trình phối hợp, lồng ghép xây dựng vào chương trình hành động để nâng cao nếp sống, văn hoá bảo vệ môi trường vào giáo dục đạo đức trong cộng đồng dân cư, vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội. Tăng cường vận động chức sắc, tín đồ tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường tại gia đình và cộng đồng dân cư.

Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện chương trình phối hợp, đặc biệt là tham gia thực hiện hiệu quả mô hình tự quản bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư; xây dựng cơ sở tôn giáo xanh – sạch – đẹp; Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tôn giáo; hỗ trợ các tổ chức tôn giáo xây dựng và nhân rộng những mô hình cộng đồng tôn giáo và Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ việc biên soạn, phát hành các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các tôn giáo. Phối hợp cùng Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam cấp huyện hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở tôn giáo trên địa bàn đăng ký và tổ chức thực hiện các mô hình, phần việc cụ thể để tham gia bảo vệ môi trường./.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI NGHỊ KÝ KẾT CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

Nguyễn Văn Vui – Phòng QLMT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *