Sáng 28/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và triển khai công tác năm 2017. Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn; đại diện các bộ, ban ngành; các thành viên của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Nhiều chuyển biến tích cực trong dự báo, cảnh báo thiên tai

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết: công tác phòng chống thiên tai trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực từ việc hoàn thiện thể chế đến tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai. Bộ TN&MT luôn đây là nhiệm của trọng tâm. Cùng với Luật Phòng chống thiên tai, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khí tượng thủy văn, trong đó có nội dung về phòng chống thiên tai. Để thể chế hóa công tác này, Bộ đã phối hợp cùng các cấp, ngành tập trung kiện toàn Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ, hoàn thành thể chế hóa Luật Khí tương thủy văn và các văn bản hướng dẫn thi dưới Luật.

Năm 2016, biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan, với nhiều kỷ lục về thiên tai, bão lũ, xâm nhập mặn, sạt lở đất ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy công tác phòng chống thiên tai ngày càng khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có phương án phòng chống ứng phó hiệu quả; cần sự chủ động hơn nữa của các cấp, các ngành.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu báo cáo về việc đã hoàn thiện các văn bản thi hành Luật Khí tượng thủy văn; tóm tắt tình hình khí tượng thủy văn trong năm 2016. Cụ thể như: Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn, cảnh báo và dự báo sát diễn biến của 09 cơn bão và 05 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động ở Biển Đông, trong đó có 04 cơn bão và 01 ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; 18 đợt gió mùa Đông Bắc, 05 không khí lạnh (KKL); 23 đợt nắng nóng diện rộng; 19 đợt mưa lớn và các trận lũ lớn trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó Bộ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; Xây dựng thử nghiệm và đang đang hoàn thiện hệ thống hệ thống thu thập thông tin, dữ liệu vận hành các hồ và dữ liệu quan trắc thủy văn trực tuyến; Phối hợp với Bộ Ngoại giao chuẩn bị nội dung đàm phán với Trung Quốc về việc chia sẻ số liệu khí tượng thủy văn và thông tin xả lũ hồ chứa đầu nguồn trên hệ thống các sông biên giới. Bên cạnh đó Bộ đã lập báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch thực hiện Công ước SAR 79 giai đoạn 2009-2015 và kế hoạch thực hiện Công ước SAR79 giai đoạn 2016 – 2020; Tham gia xây dựng Báo cáo nền quản lý rủi ro thiên tai giai đoạn 2005-2015 thuộc nhiệm vụ triển khai Khung hành động Sendai tại Việt Nam; Phối hợp Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc; Xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển trình Thủ tướng Chính phủ; …

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Báo cáo tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và kế hoạch công tác năm 2017; nhận định xu thế thời tiết và kế hoạch, nhiệm vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai năm 2017; kết quả cập nhật phân vùng gió cho các vùng ở sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ; xây dựng, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông và việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật; Báo cáo về công tác ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai trên biển. Đồng thời trao đổi thảo luận các nội dung nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai.

“Bộ TN&MT đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong thời gian gần đây thông tin dự báo cảnh báo thiên tai sớm và chuẩn xác hơn… Mong rằng thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo thiên tai, đặc biệt là dự báo bão; tăng cường chia sẻ thông tin với các cấp, ngành, cơ quan liên quan nhằm phục vụ xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phòng chống thiên tai” – đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nói.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ ngay sau hội nghị này, phải tập trung hoàn thiện xây dựng phương án PCTT&TKCN phù hợp với tình hình thực tế để chủ động đối phó với mọi tình huống. Đồng thời nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017. Đó là tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là cụ thể hóa các quy trình quy phạm, về sự cố môi trường cần phải nghiên cứu quy định cụ thể; tăng cường nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai cụ thể, chính xác, chất lượng, chuyên sâu hơn. Xây dựng lộ trình từng bước, tăng dày mạng lưới quan trắc, tiến tới dự báo cụ thể chi tiết đến từng huyện, từng xã; tăng cường hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các văn bản pháp luật về KTTV, kiểm tra, rà soát khắc phục những bất cập, tồn tại để có hướng dẫn kịp thời cho địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Và đặc biệt là phải coi nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai là hết sức quan trọng, nâng cao nhận thức các cấp, ngành trên các phương tiện thông tin đại chúng trên tinh thần “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó cần tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, phối kết hợp với các bộ ngành, địa phương, đơn vị, khai thác hạ tầng sẵn có phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai.

Nhân dịp năm mới, thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đã gửi lời chúc mừng năm mới 2017 tới các quý vị đại biểu lời chức sức khỏe – thành công – hạnh phúc và chúc công tác phòng chống thiên tai hoạt động hiệu quả hơn trong năm 2017.

Năm 2016 – Nhiều lỷ lục về thiên tai

 Báo cáo tổng kết của Văn phòng chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ TN&MT cho thấy:  Năm 2016  là năm có nhiều thiên tai  khá đặc biệt; xuất hiện nhiều kỷ lục về thiên tai như: Năm 2016 có 18 đợt gió mùa đông Bắc và 05 đợt không khí lạnh gây ra rét đậm, rét hại, đặc biệt ngày 20/1, nhiệt độ thấp kỷ lục trong 40 năm gần đây đã xuất hiện 20 điểm có mưa tuyết, băng giá, đặc biệt lần đầu tiên xuất hiện băng tuyết tại đỉnh núi Ba Vì (Hà Nội). Từ tháng 11/2015- 5/2016, dòng chảy sông từ thượng lưu sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đầu mùa khô đã xuống mức rất thấp (mức lịch sử), làm cho xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn và lấn sâu hơn so với cùng kỳ năm 2015, xâm nhập mặn lấn sâu trên 100km ở khu vực sông Vàm Cỏ; 65km ở các cửa sông Tiền. Hạn hán xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên đạt kỷ lục trong gần 90 năm trở lại đây, gây ra tình trạng thiếu nước, khô hạn xảy ra gay gắt tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum; Gia Lai, Đắk Lắk, nhiều tỉnh phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.  Từ tháng 6 – 12/2016 xuất hiện 15 đợt lũ lớn trên các các sông Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên gây ra lũ đặc biệt lớn, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng củ nhân dân, nhất là ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, Phú Yên…

CTTĐT
Nguồn: http://www.monre.gov.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *